Điều trị táo bón ở trẻ em bằng phương pháp tập luyện phục hồi chức năng

Táo bón là vấn đề thường gặp ở trẻ em, thống kê cho thấy có ít nhất 30% trẻ bị táo bón cần được quan tâm. Trường hợp trẻ bị táo bón lâu ngày có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như gặp khó khăn trong việc điều trị. Vì vậy điều quan trọng là nhận biết sớm để ngăn chặn tình trạng táo bón kéo dài.

Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Võ Thị Thanh – Trung tâm Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Bạch Mai về những điều cần lưu ý của phương pháp phục hồi chức năng ở trẻ để điều trị táo bón.

Táo bón ở trẻ em

Định nghĩa bệnh táo bón ở trẻ nhỏ

Táo bón là tình trạng phân quá ít, rắn và khô khi đi đại tiện hoặc khoảng cách giữa

2 lần đi ngoài quá lâu. Tùy thuộc vào từng độ tuổi mà số lần đi ngoài khác nhau. Cụ thể:

+ Trẻ dưới 1 tuổi: Bình thường sẽ đi đại tiện 2 – 3 lần/ngày. Tuy nhiên, nếu trẻ chỉ đi 1 lần/ngày nhưng phân mềm, không đau rát, khối lượng bình thường thì không phải là táo bón.

+ Đối với ở trẻ hơn 1 tuổi: Bình thường đi đại tiện 1 lần/ngày, nhưng nếu trẻ đi 2-3 lần/ngày mà phân rắn và ít thì vẫn gọi là táo bón.

Như vậy, trẻ được kết luận là táo bón khi đi ngoài phân ít rắn và khô, đau rát, hậu môn đỏ, thậm chí rớm máu.

Những dấu hiệu cho thấy trẻ bị táo bón

  • Trẻ ít đại tiện, dưới 3 lần một tuần
  • Phân khô cứng hoặc tròn như phân dê
  • Đại tiện khó, phải rặn nhiều, đau hậu môn
  • Trẻ có tâm lý sợ đại tiện
  • Tổn thương hậu môn: chảy máu hoặc nứt kẽ hậu môn
  • Trẻ lười ăn, chậm lớn, sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh

Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ nhỏ

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón ở trẻ 1- 6 tuổi. Hầu hết nguyên nhân táo bón ở lứa tuổi này đều đến từ những đặc điểm tâm sinh lý của bé, sự chiều chuộng quá mức của cha mẹ khi bé thích ăn gì thì ăn, uống gì cũng được. Hay những điều kiện xã hội thay đổi làm cho bé lười vận động, ngồi học, chơi game hay xem ti vi quá nhiều đều là những vấn đề dẫn đến táo bón.

Táo bón ở trẻ en

Chế độ ăn uống

– Ăn ít rau, trái cây, không chịu uống nước lọc

– Uống nhiều sữa bò hoặc ăn các chế phẩm từ sữa bò

– Bé hay ăn các loại thức ăn sẵn, bánh kẹo, thích các đồ uống ngọt, nước có gas,…

Thói quen nhịn đại tiện

– Do bé mải chơi hoặc ngại đi đại tiện khi đi học tập thể

– Bé hay đại tiện bị đau rát hậu môn, tâm lý lại càng sợ đại tiện

– Nhịn đại tiện khiến phân tích lại trong đại tràng lâu ngày bị hút nước trở lại, trở nên khô cứng hơn

Tác dụng phụ của một số thuốc

– Thuốc kháng sinh tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi trong đường ruột, làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gây các rối loạn tiêu hoá như táo bón

– Một số loại thuốc ho, thuốc chống co thắt cũng có thể gây táo bón do làm giảm nhu động ruột

Hậu quả của táo bón kéo dài ở trẻ em

Nhiều gia đình thường chủ quan, không đưa con đến gặp bác sĩ mà tự chữa tại nhà bằng các phương pháp dân gian, mua thuốc nhuận tràng uống,… Nếu táo bón ở trẻ em kéo dài mà không được thăm khám và điều trị tốt có thể khiến trẻ bị giãn đại tràng, giảm cảm nhận trực tràng gây mất phản xạ buồn đại tiện làm táo bón càng tăng nặng dẫn đến rối loạn đại tiện và són phân. Khi đó các thuốc điều trị táo bón thông thường, việc điều chỉnh chế độ ăn, uống, sinh hoạt không giúp cải thiện tình trạng táo bón. Trẻ cần khám đánh giá chuyên sâu (đo áp lực trực tràng, đánh giá phản xạ đại tiện…) và phối hợp điều trị bằng thuốc kết hợp với phục hồi chức năng (kích thích điện hậu môn, giao thoa, tập phản hồi sinh học…) mới có thể giúp trẻ cải thiện tình trạng táo bón của trẻ.

Theo bác sĩ Võ Thị Thanh, những bệnh nhi bị táo bón trong Bệnh viện Bạch Mai là những ca rất nặng (khoảng 1-2 tuần đi đại tiện 1 lần). Gần đây, Bệnh viện đã tiếp nhận một ca lâm sàng là một bé N.M.L (10 tuổi) được chẩn đoán rối loạn đại tiểu tiện. Từ nhỏ, bệnh nhi đã biếng ăn, đi ngoài khó (2-3ngày/ lần). Tuy nhiên, gia đình chỉ chữa trị tại nhà bằng việc mua thuốc nhuận tràng và men tiêu hoá cho bệnh nhi uống theo chỉ định của dược sĩ. Nhưng khi dừng thuốc thì bệnh nhi lại bị táo bón trở lại (10 ngày đi đại tiện 1 lần) và tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn. Sau đó, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Bạch Mai để điều trị bằng phương pháp tập luyện phục hồi chức năng. Do vậy, để xác định đúng nguyên nhân triệu chứng và điều trị kịp thời, gia đình nên đưa con trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn chính xác.

Điều trị bằng phương pháp tập luyện phục hồi chức năng cho trẻ bị táo bón

Tại Trung tâm Phục hồi Chức năng của Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ sử dụng phương pháp cơ học để điều trị táo bón cho bệnh nhi. Bằng các kỹ thuật đánh thức phản xạ dạ dày ruột bằng phương pháp kích thích dùng các vật lí trị liệu như dùng dòng điện, kích thích tại chỗ,.. ; kết hợp phương pháp Biofeedback (phản hồi sinh học), luyện tập vận động với chế độ ăn uống lành mạnh theo giờ giấc hợp lý, cân bằng chế độ dinh dưỡng, lên kế hoạch sinh hoạt điều độ cho bệnh nhi, các bác sĩ đã lập ra một trật tự sinh học mới cho bệnh nhân nhi.

Để thực hiện được các kỹ thuật này, phụ huynh cần bàn bạc, trao đổi với bác sĩ để đưa ra một lộ trình thích hợp nhất cho bệnh nhi. Điều quan trong là sự kiên nhẫn của gia đình: tập thói quen đi cầu hằng ngày cho trẻ, thời gian toilet để khoảng 3-5 phút, không nên la mắng, đánh đòn nếu trẻ không phối hợp. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp của nhà trường và phụ huynh để sát sao, nhắc nhở bệnh nhi thực hiện. Mục đích của phương pháp tập luyện phục hồi chức năng cho bệnh nhi là lập một trật tự mới cho trẻ, tạo thói quen đi ngoài và cải thiện tâm lý cho bệnh nhân nhi.

Những lưu ý trong quá trình điều trị phục hồi chức năng cho trẻ bị táo bón

Bác sĩ Võ Thị Thanh đã đưa ra một số điều cần lưu ý trong quá trình điều trị tập luyện phục hồi chức năng tại bệnh viện:

  • Bệnh nhi sử dụng thuốc phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ
  • Không được lạm dụng thuốc nhuận tràng trong thời gian dài
  • Cần có sự phối hợp, quan tâm, sát sao giữa bệnh viện – gia đình – nhà trường
  • Hình thành thói quen cho trẻ đi đại tiện, chẳng hạn như vào buổi sáng hay sau khi ăn xong
  • Yêu cầu bé đi tiêu vào thời gian cố định, chẳng hạn sau bữa sáng hoặc sau bữa tối hàng ngày. Thông thường cơ thể gửi tín hiệu mót tiêu tới não 15-20 phút sau bữa ăn, tập cho trẻ đi vệ sinh vào các thời điểm này là cách rất tốt để luyện cho ruột đáp ứng với tín hiệu mót tiêu. 
  • Cho trẻ đủ thời gian để không phải vội vã. Biến giờ đi tiêu trở thành trò vui vẻ, với những phần thưởng nho nhỏ, chẳng hạn đọc cho bé câu chuyện yêu thích hay cho bé chơi trò thổi bong bóng xà phòng sau khi đi vệ sinh
  • Đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có triệu chứng khác thường để bác sĩ khám và tư vấn.

Phạm Kim Oanh

Nguồn – bachmai.gov.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *