Bệnh trĩ thường xảy ra ở những người bị táo bón kinh niên, những người thường nhịn đi đại tiện, ngồi nhiều hoặc đứng nhiều do một số đặc thù công việc như người làm việc văn phòng, thợ làm tóc, lái xe…Nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến xuất huyết nặng, gây viêm sưng nhiễm trùng búi trĩ, rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Chế độ ăn uống và tập thể dục tác động rất lớn đến bệnh trĩ. Vì vậy, đừng bỏ qua chế độ ăn uống và 5 bài tập thể dục chữa bệnh trĩ rất đơn giản dưới đây.
Chế độ ăn uống
- Nên uống 1,5- 2 lít nước mỗi ngày. Ngoài nước lọc, bạn cũng có thể uống thêm nước trái cây ít đường hoặc nước canh. Uống nhiều nước sẽ giúp phân lỏng hơn, giúp đi ngoài dễ hơn.
- Tăng cường bổ sung thức ăn chứa nhiều chất xơ như đậu phụ, cà rốt, chuối, cam, quýt… Thức ăn chứa nhiều chất xơ sẽ giúp trữ nước trong ruột, giúp phân dễ di chuyển.
- Thường xuyên ăn các thực phẩm nhuận tràng như khoai lang, chuối, mồng tơi, rau đay, rau diếp cá…
- Thay thế dầu ăn thông thường bằng dầu oliu hoặc dầu lanh, những loại dầu này có công dụng rất tốt làm mềm phân.
- Tăng cường ăn một số thực phẩm tốt cho người bệnh trĩ là đậu bắp, mướp hương, bí đỏ, cà chua, cà tím, hải sâm, rau má, thanh long, bưởi, táo, dâu tây, củ sen, bắp, bơ,…
Tập thể dục
Bài tập co thắt cơ hậu môn
Ngồi thả lỏng để cơ thể thoái mái nhất, sau đó tập trung chú ý vào vùng ổ bụng.
Hít một hơi thật sâu, kẹp chặt cả hai bên mông và đùi thực hiện co thắt hậu môn như khi nhịn đại tiện; lưỡi uốn lên hàm trên.
Giữ nguyên trạng thái, nín thở khoảng 10 giây rồi thở ra từ từ, thả lỏng cơ thể cho cơ hậu môn trở về trạng thái bình thường, đồng thời lưỡi cũng hạ xuống.
Nghỉ khoảng 30 giây rồi tiếp tục tập. Mỗi lần nên tập từ 20 – 30 nhịp, tập càng nhiều lần càng tốt.
Tác dụng: Bài tập giúp tăng cường khả năng co thắt cho cơ vòng ở hậu môn. Nếu ai mới bị búi trĩ lòi ra ngoài thì bài tập này cũng rất phù hợp. Tư thế bài tập có thể là nằm, ngồi hoặc đứng đều được.
Bài tập vùng đan điền (là vùng bụng dưới gần xương mu)
Nằm trên giường hoặc trên thảm tập, hai chân duỗi thẳng, tay đặt song song với phần thân.
Mắt nhắm hờ, tập trung tất cả suy nghĩ về vùng đan điền, hít thở sâu đồng thời thót hậu môn, hai bàn tay co lại, cắn chặt hai hàm răng, các ngón chân cong lên hướng về phía trên.
Giữ chặt những tư thế này từ 5 – 7 giây, thở ra từ từ và thả lỏng toàn thân. Nghỉ ngơi tại chỗ từ 1- 2 phút rồi thực hiện tiếp.
Thực hiện những lần tập theo tương tự. Mỗi ngày nên dành 30 phút để thực hiện.
Tác dụng: Giúp cơ thể tự có phản ứng thắt hậu môn. Nếu búi trĩ tự sa ra ngoài thì bài tập này sẽ giúp búi trĩ dễ dàng co lại.
Bài tập nâng hậu môn (có thể tập ngay tại nơi làm việc vào lúc rảnh rỗi)
Ngồi lên ghế vắt chéo chân và hai tay chống eo, sau đó đứng lên và thực hiện thót hậu môn.
Đợi khoảng 5 giây sau thì thả lỏng cơ thể. Những lần kế tiếp làm tương tự.
Tác dụng: Bài tập giúp cơ thể tự có phản ứng co thắt hậu môn khi di chuyển.
Bài tập đi bộ
Đứng thẳng người, hai tay thả lỏng, bàn tay và hàm hơi khép lại.
Khi một chân bước lên thì đồng thời thót hậu môn, sau đó bước tiếp chân còn lại.
Khi mới thực hiện lần đầu thì sẽ thấy khó nhưng chỉ sau vài lần làm quen thì động tác sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Bài tập tăng cường tiêu hóa
Đứng với tư thế thẳng, hai chân rộng bằng vai, hai tay đặt song song với phần thân, lòng bàn tay nắm hờ.
Cúi thấp đầu, đầu gối có thể chùng nhẹ nhưng vẫn giữ lưng thẳng, hít sâu và khép chặt miệng, lưỡi thì đánh lên hàm trên. Đồng thời lúc này thực hiện thót hậu môn.
Giữ tư thế khoảng 10 giây sau đó trở về tư thế ban đầu. Bạn nên tập 5 – 7 lần mỗi ngày.